Quay trở lại danh sách
Hội thảo - Thông tin Khoa học

Hội thảo “Giới thiệu chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học năm 2023”

07/10/2023
Theo kế hoạch năm học 2023-2024, Trường Đại học Thương mại xây dựng 08 chương trình đào tạo (CTĐT) định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và 02 CTĐT chuẩn trình độ đại học. Các CTĐT này sẽ được đưa vào tuyển sinh từ năm 2024.

Với chủ trương không chỉ đảm bảo các CTĐT của Nhà trường phù hợp sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu đào tạo; đảm bảo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và tiệm cận với các CTĐT quốc tế; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, sang ngày 07/10/2023, Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo “Giới thiệu chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học năm 2023” tại Hội trường H3, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Trường, các nhà khoa học, các đơn vị sử dụng lao động,… nhằm hướng tới mục tiêu giới thiệu các CTĐT, lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra, CTĐT và trao đổi kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp trong triển khai các CTĐT định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.

 

 

 

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Thương mại có sự hiện diện của PGS,TS Nguyễn Hoàng – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS,TS Nguyễn Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng; PGS,TS Nguyễn Đức Nhuận – Phó Hiệu trưởng cùng Trưởng, Phó các Khoa, Viện, Phòng ban; Trưởng, Phó các Bộ môn và đại diện các giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo.

 

Tham dự Hội thảo về phía khách mời có sự hiện diện của PGS,TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ThS. Lê Thị Thu Hương - Giám đốc Nhân sự CTCP Nhà ga hàng hóa ALS; Ông Nguyễn Trường Phi - Giám đốc Công ty Thương mại điện tử Maxbuy; Bà Đặng Mai Trang - Trưởng đại diện của ICEAW Việt Nam; Anh Nguyễn Đức Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn Hà Nội. Tham dự Hội thảo còn có sự hiện diện của gần 100 đại biểu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước; giảng viên, chuyên gia phát triển CTĐT và đảm bảo chất lượng giáo dục của các trường đại học; đại diện hiệp hội, doanh nghiệp hợp tác đào tạo, đơn vị sử dụng lao động; đại diện các đơn vị truyền thông báo đài; đại diện cựu người học và người học.

 

Tại phiên toàn thể, PGS,TS Nguyễn Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã giới thiệu về 8 CTĐT định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (International Profession Oriented Program – IPOP) được Trường xây dựng và đưa vào tuyển sinh từ năm 2024, gồm các CTĐT: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh), Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn), Marketing thương mại (ngành Marketing), Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB) (ngành Kế toán), Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng), Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính – Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính – Ngân hàng), Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực), trong đó nhấn mạnh 5 điểm nổi bật của các CTĐT IPOP.

 

PGS,TS Nguyễn Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo

 

(1) Tính thực tiễn: Quá trình xây dựng CTĐT được tham vấn chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp; thiết kế dựa trên các yêu cầu cụ thể của vị trí việc làm, phù hợp với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động; Sinh viên được thực tế tại doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo ngay từ năm thứ 2 và được tăng cường tham gia các học phần, chuyên đề, thực tập do các chuyên gia thực tế hướng dẫn và đào tạo;

(2) Tính toàn diện: Sinh viên được cung cấp những kiến thức nền tảng liên ngành trong lĩnh vực kinh doanh – quản lý giúp dễ dàng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc, vị trí việc làm; được tiếp cận với những xu hướng mới về CMCN 4.0, Chuyển đổi số, Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh; được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành, chuyên ngành đào tạo, chú trọng vào thực nghiệp;

(3) Tính quốc tế: Ngoài các học phần Tiếng Anh tăng cường và nâng cao, trên 1/3 thời lượng CTĐT sinh viên được học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh; Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 4/6, sử dụng thành thạo tiếng Anh và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế;

(4) Đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập, cơ sở vật chất: Giảng viên tham gia giảng dạy CTĐT IPOP có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy hiệu quả, đảm bảo trình độ tiếng Anh theo quy định; Cố vấn học tập đồng hành, hỗ trợ sinh viên trong suốt khóa học; hướng dẫn phương pháp học tập các học phần chuyên môn và quản lý sinh viên trong quá trình học tập/thực hành/thực tế; Sinh viên được học tập, nghiên cứu tại các phòng học với trang thiết bị hiện đại và tiên tiến, tăng cường tương tác trên hệ thống E-learning (LMS); hệ thống thư viện (bao gồm cả thư viện số) có đủ giáo trình/tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế; có các phòng thực hành, các phần mềm mô phỏng cần thiết phục vụ giảng dạy thực hành;

(5) Có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp: Nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm hướng nghiệp, chương trình trải nghiệm,… giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề đã chọn.

 

Bên cạnh đó, Nhà trường có mạng lưới doanh nghiệp trong cùng ngành nghề đào tạo, tiếp nhận và đặt hàng nhiều công việc ngay từ khi sinh viên thực tập tốt nghiệp. Vì vậy, sinh viên sẽ được tạo diều kiện tốt nhất để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo ngay khi còn học ở giảng đường và sau khi tốt nghiệp.

 

Bên cạnh đó, PGS,TS Phạm Tuấn Anh – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng đã giới thiệu về CTĐT Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính – Ngân hàng); PGS,TS Nguyễn Trần Hưng – Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử giới thiệu về CTĐT Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử). Đây là 2 CTĐT chuẩn sẽ được Trường đưa vào tuyển sinh từ năm 2024, có mục tiêu đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng thích ứng với nền kinh tế số.

 

Hội thảo cũng nhận được ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện doanh nghiệp hợp tác đào tạo, đại diện đơn vị sử dụng lao động và đại diện cựu người học: PGS,TS Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI); Bà Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện của ICEAW Việt Nam; Bà Lê Thị Thu Hương – Giám đốc Nhân sự CTCP Nhà ga hàng hóa ALS; Ông Nguyễn Trường Phi - Giám đốc Công ty Thương mại điện tử Maxbuy; Ông Nguyễn Đức Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn Hà Nội. Các đại biểu đã đánh giá cao về tính ưu việt của các CTĐT mới của Nhà trường. Theo các đại biểu, việc tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp trong xây dựng CTĐT; CTĐT trang bị kiến thức toàn diện, có tính liên thông và chuyên sâu; sinh viên được tăng cường thực nghiệp, được học tập chuyên môn bằng tiếng Anh; các điều kiện về đội ngũ giảng viên, chuyên gia thực tế, cố vấn học tập, cơ sở vật chất;… là bảo chứng cho người học tốt nghiệp các CTĐT, đặc biệt là các CTĐT IPOP có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có cơ hội việc làm ngay khi tốt nghiệp.

 

Tại phiên chuyên đề, các khoa quản lý CTĐT đã tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và trao đổi kế hoạch hợp tác đào tạo CTĐT IPOP với các doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Hoàng – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Hội thảo là diễn đàn để Nhà trường trao đổi, lắng nghe ý kiến đại diện các bên liên quan chia sẻ về các yêu cầu kiến thức, kĩ năng chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp cần thiết nhằm phục vụ Nhà trường xây dựng chuẩn đầu ra và CTĐT mới. Các CTĐT phát triển trong năm học này đã được Nhà trường định hướng quan điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đem lại kiến thức chuyên môn và kỹ năng thành thạo cho người học, để người học ngay khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm đúng lĩnh vực ngành nghề đào tạo; người học tốt nghiệp CTĐT định hướng chuyên môn nghề nghiệp quốc tế phải thành thạo ngoại ngữ và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế. Vì vậy, đội ngũ giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm đào tạo của các khoa chuyên ngành đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, thiết kế các khối kiến thức; các học phần ngành, chuyên ngành; các học phần kiến thức có xu hướng mới về cách mạng công nghiệp 4.0; các học phần thực hành, thực tế nghề nghiệp để sinh viên có thể lĩnh hội những kiến thức mới nhất, phù hợp nhất với xu thế và ngành nghề đào tạo, từ đó có khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường và vị trí việc làm.

 

PGS,TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phát biểu tại Hội thảo

 

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, Nhà trường sẽ bổ sung, chỉnh sửa, đề xuất hướng xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra, thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng của Nhà trường, Khoa chuyên ngành đào tạo và trên hết là người học sau khi thực hiện xong chương trình đào tạo có thể phát huy tốt năng lực bản thân, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo: